Hội nghị tổng kết Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2022
Lượt xem: 536

Chiều ngày 03/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2021, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thành Nam, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang đồng chủ trì hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Trung Thảo, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng; cùng tham dự có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng

Tại hội nghị, các đại biểu xem phóng sự về một số kết quả của Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016-2021. Hội nghị thông qua Báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016-2021, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025; Báo cáo định hướng cơ chế quản lý, thực hiện Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, Chương trình đã đạt được các chỉ tiêu đề ra với trên 70% đề tài, dự án có kết quả được công bố trên các tạp chí chuyên ngành; 152 bài báo khoa học; 100% các nhiệm vụ có kết quả được cơ quan chuyên môn hoặc các địa phương tiếp nhận, đưa vào thực tế xây dựng NTM; các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đều có doanh nghiệp đầu tư (vốn đối ứng); trên 60% mô hình có triển khai liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; hầu hết các mô hình sản xuất đều tăng hiệu quả từ 25% trở lên và góp phần tăng thu nhập cho nông dân trên 20% trong phạm vi dự án; 11.000 lượt người được đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ thông qua các đề tài, dự án, vượt chỉ tiêu đề ra.

Chương trình có những đóng góp và tác động về hoàn thiện cơ sở lý luận, cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng NTM; tạo ra nhiều sản phẩm khoa học thiết thực, nhiều mô hình chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp có tính lan tỏa cao. Với 97 quy trình sản xuất và công nghệ mới được chuyển giao, 208 mô hình trình diễn hiệu quả cùng hàng nghìn trang thiết bị hỗ trợ của các dự án, Chương trình đã góp phần cải thiện năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung…

Giai đoạn 2021-2025, tiếp tục bám sát chủ trương định hướng của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy xây dựng NTM theo hướng phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, trực tiếp giải quyết những vấn đề cấp thiết; huy động được sự tham gia của các cấp, ngành; phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng; chú trọng triển khai các mô hình, dự án có tính mới, khả năng ứng dụng và tính lan tỏa cao; ưu tiên các mô hình, dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Ưu tiên thực hiện các đề tài, dự án tại các địa bàn đặc biệt khó khăn; huy động nguồn lực theo hướng vốn ngân sách trung ương đóng vai trò “vốn mồi”, tăng cường hợp tác, huy động sự tham gia của các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp, nguồn vốn xã hội hóa; lồng ghép các chương trình khoa học công nghệ để tập trung nâng cao chất lượng, tránh trùng lặp, chồng chéo; thực hiện nghiêm túc và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng NTM phải song hành để chuyển hoá được tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Mỗi Đề tài nghiên cứu khoa học trong xây dựng NTM phải mang yếu tố kinh tế, gắn với thị trường, chi phí đầu vào; chuyển từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị trên sản phẩm nông nghiệp.

Bộ trưởng yêu cầu các Đề tài triển khai phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, trực tiếp giải quyết các vấn đề cấp thiết gắn với đặc thù, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, huy động sự tham gia của các bộ, ngành TW; phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng, người dân tham gia hưởng ứng. Trong đó, ưu tiên các Đề tại, Dự án tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, bảo đảm an ninh quốc phòng… Các Đề tài không chỉ chuyển giao khoa học công ghệ mà phải chuyển giao tính chuyên nghiệp, chuẩn hoá cho người nông dân để tăng hiệu quả, chất lượng đề tài. Mỗi nhà khoa học đến với người nông dân là góp phần tri thức hoá cho người nông dân. Từ đó góp phần tối ưu hoá quy trình sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, tính cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp; tạo sức bậc mới cho nông nghiệp, nông thôn.

 Kim Cúc

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1