Thợ chạm bạc tỉ mỉ, khéo tay tạo ra trang sức bạc với nhiều họa tiết tinh xảo.
Trước tiên, bạc được dùng làm đẹp cho phụ nữ, bởi trên trang phục phụ nữ Dao hầu hết đều gắn bạc như: Cúc áo, vòng cổ, vòng tay, xà tích, nhẫn, hoa bạc; Bạc dùng làm của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng. Trong ngày cưới, thông thường cô dâu phải có ít nhất một bộ trang sức bạc.
Để có sản phẩm trang sức bạc ưng ý (dù chỉ là chiếc vòng cổ hay một chiếc nhẫn) cũng đòi hỏi cả một quy trình chế tác công phu của người thợ thủ công (do nam giới đảm nhiệm) từ khâu chọn nguyên liệu.
Bạc nguyên liệu phải là bạc trắng, bạc thỏi, có độ tuổi, độ dẻo, độ bóng cao. Nếu không đủ độ tuổi, bạc sẽ xỉn màu nhanh, hay gẫy khi sử dụng. Nhiên liệu cho đun bạc phải là loại than củi lấy từ những cây gỗ tốt như gỗ nghiến, các loại gỗ cây núi đá đun đượm..
Dụng cụ chế tác gồm: Bễ thổi, kéo sắt, kìm vặn, búa đập, bàn kéo sợi, đe sắt, nồi đun.. Khi chọn nguyên, nhiên liệu xong, người thợ bắt đầu nhóm lò, thổi bễ, cho gió vào lò, chỉnh nhiệt độ. Bạc nguyên liệu cho vào nồi đun nóng chảy, sau đó đổ ra máng sắt cho nguội rồi bắt đầu công đoạn chạm sản phẩm.
Với sản phẩm là chiếc vòng cổ, người thợ dùng búa gõ trực tiếp lên thỏi bạc (một tay quai búa, một tay dùng kìm kẹp thỏi bạc). Cứ đập liên tục như vậy cho đến khi hình thành chiếc vòng cổ thì bắt đầu tạo gờ, khắc chữ (các chữ khắc thường là thời gian chạm, số lượng bạc).
Đối với các sản phẩm có hoa văn cầu kỳ (vòng tay, hoa bạc), người thợ sẽ dùng phương pháp khắc chìm. Các hoa văn được khắc trên trang sức của người Dao rất tinh tế về hình khối, đường nét rõ ràng, hoàn hảo tới mức tối đa. Còn với người làm nghề chạm bạc thì cần phải có đôi tay khéo léo, sự nhanh nhạy của đôi mắt, sự kiên trì, nhẫn nại của ý chí và sự cảm nhận bằng tâm hồn, óc thẩm mỹ.
Trải qua thời gian, đến nay nghề chạm bạc vẫn tồn tại và có một vị trí nhất định trong đời sống của đồng bào Dao Đỏ ở Cao Bằng. Nghề chạm bạc không những tạo ta sản phẩm vật chất mà còn tạo nên sắc thái văn hóa riêng biệt của người Dao Đỏ.
Hà Thị Quyết