Nghề dệt vải Lanh của dân tộc Mông trắng ở Cao Bằng
Lượt xem: 2086
Cao Bằng là một tỉnh miền núi phía Bắc của Tổ quốc, với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Người Mông ở Cao Bằng có nhóm Mông trắng, Mông đen, Mông hoa. Nhóm Mông trắng ở Cao Bằng sống rải rác ở các huyện: Thông Nông, Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Bảo Lạc. Nói đến phụ nữ Mông trắng, ta nghĩ ngay đến chiếc váy lanh đặc trưng.

Cây lanh là biểu tượng gắn liền với cuộc sống của người Mông trắng. Họ tự hào về nét độc đáo của trang phục dân tộc mình, về nguyên liệu, về chất liệu, về kỹ thuật chế tác không thể lẫn với bất kỳ một loại trang phục nào, với một dân tộc nào trên cả nước.


Nghề dệt vải lanh là một trong những hoạt động sản xuất đặc sắc của người H'Mông.(Ảnh minh họa)

Với người Mông, sợi lanh không chỉ là vật liệu cơ bản để dệt vải may mặc, phục vụ nhu cầu của đời sống vật chất con người, mà cây lanh sợi lanh đã đi vào thế giới tâm linh, tình cảm, trở thành một thứ biểu tượng cho sự bền chắc của đời người, của tuổi thọ, sự gắn bó lứa đôi, là sợi chỉ dẫn đường cho linh hồn người chết trở về với tổ tiên, là cầu để linh hồn tổ tiên đầu thai trở lại với con cháu.

Cây lanh được trồng trên nương ven chân núi, hay các thung lũng nhỏ cạnh nhà để tiện chăm sóc. Lanh được trồng vào tháng 2 âm lịch khoảng 70 – 75 ngày là thu hoạch được, nếu để quá, sợi lanh sẽ khó se và dễ đứt. Trồng lanh phải cày, bừa kỹ, đất tơi xốp. Trước khi gieo người ta cho hạt giống vào cối giã nhẹ làm vỡ vỏ cứng, trộn lẫn với tro bếp và phân gà cho cây phát triển tốt. Mật độ gieo lanh vừa phải, nếu quá dày cây nhỏ sẽ ít sợi, gieo thưa cây có cành, vỏ dày khó tước.

Khi thu hoạch về phơi nắng cho cây khô, rồi bóc vỏ lanh ra (chú ý phải thực hiện việc chế biến lanh trước khi có đợt gió mùa Đông Bắc về, nếu gặp gió lanh sẽ bị khô sợi, giảm độ bền, sợi nát, khó nối). Lanh sau khi được tước vỏ, phơi khô rồi cho vào cối hoặc đào hố nhỏ xuống đất rồi cuộn sợi đay vào để giã cho vỏ ngoài bong ra, sợi mềm và xơ. Sau đó tước ra thành sợi thật đều và bắt đầu công đoạn nối, nối sợi là công đoạn mất  nhiều thời gian, nên được chị em làm ở khắp mọi nơi, tận dụng cả lúc đang đi chợ. Khi nối, sợi lanh tước làm đôi, hai đầu sợi lanh được xoắn vào nhau, hai đầu sợi đã xoắn được vê dọc theo chiều dài của sợi lanh về hai phía, nối được bao nhiêu họ quấn vào lòng bàn tay cho đến khi đã đầy tay họ buộc lại thành cuộn nhỏ, rồi lại lần lượt như vậy đến các cuộn khác.

Lanh sau khi nối, đem ngâm nước cho mềm và được quay thành sợi bằng một guồng quay to. Toàn bộ guồng quay được gắn trên một giá đỡ cho chắc còn chân guồng thì chôn xuống đất, guồng được nối một thanh đạp chân (cần xoay cho guồng quay ). Khi se sợi, người ta dùng hai chân đạp cần xoay để guồng quay kéo dây cua doa làm con suốt quay tròn, cuộn sợi lần lượt vào suốt đồng thời dùng tay trái kẹp một que nhỏ, luồn 4 sợi qua 4 khe ngón tay đặt trên que tre đó để ra sợi cho đều và khỏi rối, tay phải cầm một chiếc que nâng sợi đã xoăn quấn vào suốt cho khỏi xoắn lại. Khi suốt đầy, tháo suốt ra và thay ống khác để sợi dễ cuốn và không bị rối. Đây là công đoạn đòi hỏi người phụ nữ phải rất khéo léo, kết hợp nhịp nhàng cả hai chân và hai tay, chân đạp guồng và tay ra sợi.

Sau khi se, đem ngâm sợi vào nước lã khoảng 15 phút cho nước ngấm đều, sau đó giăng sợi vòng quanh các mắc sợi , chú ý cho sợi dàn đều không bị rối, được khoảng 1- 2kg sợi thì tháo ra. Sợi lanh sau đó được tẩy để bong hết vỏ xanh, tẩy bằng cách đem sợi luộc bằng nước có hòa với tro củi theo tỷ lệ 3kg sợi hòa với 2kg tro củi, đợi nước sôi lên khoảng 30 phút, đảo đều rồi vớt ra và ủ kín bằng ni lông để qua đêm. Nếu tro tốt,  đay sẽ bong hết vỏ xanh sợi sẽ trắng, tro xấu phải luộc lại lần thứ 2. Sau khi luộc xong, giặt sạch phơi khô để chờ công đoạn sau. Muốn cho sợi lanh mềm và bông, ta phải dùng lu bằng gỗ để lu. Lu lúc sợi đã tẩy xong và lúc vải đã dệt xong.

Đào hố rộng hơn kích thước khúc gỗ tròn để khúc gỗ có thể lăn đi lăn lại (lưu ý không để hố rộng quá khi lăn sẽ bị trượt ), lót cỏ xuống dưới hố, đặt sợi hoặc vải xuống đó, đặt khúc gỗ tròn lên trên sợi, đặt thanh gỗ nghiến lên trên khúc gỗ tròn, người đứng trên đó dùng chân điều khiển cho khúc gỗ tròn lăn đi, lăn lại. Đây là công đoạn đòi hỏi người thực hiện phải khỏe chân và khéo léo để thanh gỗ to không bị trượt khỏi khúc gỗ tròn.

Sợi lanh khi đã được tẩy sạch là lu cho mềm, được đưa vào guồng để cuốn thành các ống sợi. Khi guồng sợi, một chân giẫm lên giá đỡ, tay phải quay guồng, đồng thời tay trái ra sợi, guồng quay sẽ kéo theo ống quay, sợi theo đó mà cuộn vào ống.

Khung dệt lanh của người Mông rất đơn giản, gồm có khung dệt được buộc vào vách nhà, liên kết các bộ phận trong khung dệt gồm có: thanh căng, lợi nén, go, trục cuốn sợi, trục cuốn vải, chân đạp guốc và thanh ghế ngồi. Dệt lanh cũng như dệt vải bông, phải qua khâu dàn sợi, lên go, mắc cửi…dàn sợi là công đoạn phức tạp, mất nhiều thời gian, tùy theo tấm vải ngắn, dài mà người ta dàn sợi nhiều hay ít. Thông thường, một khổ vải lanh có kích thước 40 – 45cm. Khi dệt người thợ ngồi trên ghế gỗ bắc ngang khung dệt. Sau đó, vòng dây căng qua lưng rồi buộc vào hai đầu của trục cuộn vải phía trước bụng để kéo căng sợi khi dệt dùng điều khiển bàn guốc (nối liền với cần sợi) để tách nhịp sợi so le, đồng thời tay luồn thoi giữa hai hàng sợi đa sợi ngang qua lại, dùng sợi lược nén dập mạnh cho các sợi nang khít lại với nhau.

Người Mông chỉ dệt trong lúc nhàn rỗi nên có khi hàng tuần mới dệt xong một khổ vải. Vải dệt xong muốn được đẹp, trắng thì phải tẩy trắng bằng tro bếp nhiều lần như tẩy sợi. Sau đó giặt sạch nấu với nước có pha sáp ong để hồ vải cho cứng, muốn mặt vải bóng, mịn người ta lại dùng lu vải bằng gỗ lăn cho mặt vải bóng, nhẵn.

Váy của người phụ nữ Mông trắng không có hoa văn, thông thường dùng hai khổ vải, dài 5m hoặc 7m cho váy có độ xòe, váy này thường mặc trong các ngày lễ, hội, hoặc con gái đi làm dâu. Để thuận tiện cho việc lên nương, ngày nay người Mông trắng thường nhuộm vải lanh màu chàm cho sạch, có nghĩa là vải đã dệt xong người ta dùng nước ngâm cây chàm để nhuộm cho vải có màu đen hoặc tím than.

Hiện nay trong nền kinh tế thị trường, nhiều ngành nghề truyền thống đã bị mai một, nhưng nghề trồng lanh, dệt vải của phụ nữ Mông trắng ở Cao Bằng vẫn được lưu giữ; góp phần vào việc giữ gìn và bảo tồn bẳn sắc văn hóa dân tộc.

            Nguyễn Hồng Vân

THÔNG TIN TRA CỨU
Xem thêm





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH CAO BẰNG
***DU KHÁCH***
Địa chỉ: Số 011 - Đường Hoàng Đình Giong - Thành Phố Cao Bằng, Tỉnh Cao Bằng
Email: portal@caobang.gov.vn - Điện thoại: 0206.3852.136
Chịu trách nhiệm: ông Trịnh Sỹ Tài - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Cao Bằng (hoặc www.caobang.gov.vn) khi trích dẫn thông tin từ địa chỉ này.

ipv6 ready