Nghề dệt thổ cẩm của người Tày ở Hòa An và Hà Quảng
Lượt xem: 1463
Người Tày Cao Bằng vốn có truyền thống văn hóa phong phú từ lâu đời. Trong lịch sử tồn tại và phát triển của mình, người Tày đã tạo ra những giá trị văn hóa khá đặc sắc, trong đó co nghề dệt thổ cẩm. Đây là một nghề thủ công có từ rất lâu, nó không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân mà cũng là sản phẩm được bán rộng rãi ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Nghề này vẫn luôn có mặt trong đời sống thường nhật của người Tày với đầy đủ sắc thái văn hóa tộc người.

Cao Bằng là quê hương của nhiều dân tộc thiểu số cùng chung sống và mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ, bản sắc riêng và thổ cẩm cũng vậy. Trong phiên chợ ngày xuân, có thể bắt gặp những trang phục rất đặc trưng, người Mèo sặc sỡ xúng xính trong bộ váy áo với màu đỏ là chủ đạo, điểm các hoa văn trắng vàng sặc sỡ; người Tày giản dị trong bộ áo chàm điểm hoa văn trắng vàng nổi bật trên nền vải xanh đen... và những chiếc địu, túi xách, chiếc chăn, giày vải, mũ trẻ em, yếm dãi trẻ em. ... tất cả những trang phục trên đều sử dụng chất liệu là thổ cẩm.

Kỹ thuật dệt truyền thống của người Tày Hòa An bao gồm các công đoạn như: dàn sợi dọc, cài go tạo hoa văn, thao tác dệt vải. Trên các sản phẩm dệt của người Tày không thể thiếu các loại hoa văn trang trí rất phong phú và đa dạng, Các mẫu hoa văn thổ cẩm của người Tày ở Hòa An là sự kết hợp hài hoà giữa đường nét, màu sắc và hoa văn. Các màu sắc sáng, tối, nóng, lạnh được xử lý rất khéo léo trên nền chủ đạo là mầu trắng đục, tạo nên một bản sắc riêng của văn hoá truyền thống Tày, khiến ta khó có thể nhầm lẫn với cách trang trí hoa văn của các dân tộc khác. Đó là các loại hoa lê, hoa mận, hoa đào… những loại hoa thường rất phổ biến vào mùa xuân tại quê hương Hòa An, Cao Bằng. Một số muông thú như: hươu, nai, ngựa, chim… cũng được thể hiện trên hoa văn thổ cẩm  của người Tày ở Hòa An.

Trong quá trìnhchuyển đổi nền kinh tế, mở cửa, hội nhập, toàn cầu hóa đã làm biến đổi những tinh hoa văn hóa văn hóa các dân tộc. Đặc biệt, các nghề thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số đang trong tình trạng mai một ngày càng nhanh. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Tày ở Hòa An (Cao Bằng) cũng trong tình trạng tương tự. Vì thế, Nhà nước cần có những giải pháp cơ bản về cơ chế chính sách, về vốn, kỹ thuật, về thị trường... nhằm phát triển và bảo lưu được các giá trị văn hoá của đồng bào qua các sản phẩm dệt của mình, đồng thời giúp cho đồng bào có thể xoá đói giảm nghèo một cách hiệu quả và bền vững.

Song song với các vấn đề về vốn, kĩ thuật, thị trường...thì việc xây dựng các làng người Tày thành các làng du lịch văn hoá hấp dẫn là một việc làm cần thiết. Làng văn hoá là một mô hình du lịch nhân văn và tự nhiên, được tổ chức khai thác phục vụ du khách theo hướng phát triển du lịch bền vững. Những năm qua, khách du lịch đến với Cao Bằng đã được hướng dẫn đi theo tuyến hành trình hợp lý từ thành phố khách đi thẳng lên Nước Hai thăm làng dệt thổ cẩm hợp tác xã Dã Hương, cơ sở vật chất nhà xưởng, các khung dệt hiện nay của hợp tác xã có được là do vốn dự án O.D.A - Nhật Bản tài trợ với số tiền là 500.000.000đ (năm trăm triệu đồng). Hiện nay, cơ sở dệt thổ cẩm này là mô hình điển hình nhất, sản phẩm dệt thổ cẩm của hợp tác xã chất lượng tốt hơn cả so với những sản phẩm cùng loại bán tại thị trường Cao Bằng và các vùng lân cận. Trên đường từ hợp tác xã dệt thổ cẩm Dã Hương Hoà An, khách du lịch đến khu di tích lịch sử nổi tiếng của nước ta, khu di tích Pác Bó; cách Hoà An 20km sẽ đến một làng nghề dệt thổ cẩm nữa, đó là làng dệt thổ cẩm Lũng Nọi xã Đào Ngạn huyện Hà Quảng. Đây là làng nghề dệt thổ cẩm còn lại nguyên bản trong từng hộ dân. Ở làng này, hiện còn gần 30 khung cửi trong những ngôi nhà sàn của các gia đình dân tộc Tày. Làng dệt thổ cẩm Lũng Nọi kết hợp được hai yếu tố quan trọng đó là cơ sở thủ công truyền thống với việc xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở của cộng đồng, điều này sẽ để lại ấn tượng đẹp với khách du lịch.

Từ những điều kiện như vậy, cần nghiên cứu các di sản văn hoá tộc người xây dựng thành các sản phẩm du lịch, các dịch vụ du lịch. Mỗi một làng cần nghiên cứu sự độc đáo trong tài nguyên du lịch nhân văn, xây dựng các hoạt động phục vụ du lịch. Đối với các làng nghề thổ cẩm Hoà An thì việc phát triển du lịch làng văn hóa phải gắn với các hoạt động khôi phục các làng nghề thổ cẩm truyền thống, tổ chức cho khách du lịch thăm quan quy trình dệt thổ cẩm, đồng thời có thể hướng dẫn cho khách du lịch trực tiếp làm một vài công đoạn để dệt thổ cẩm. Các sản phẩm thổ cẩm được bày bán ngay tại các cơ sở sản xuất (các hộ gia đình), vừa xoá bỏ nạn bán hàng rong ở thị trấn, vừa thu hút khách du lịch.

Giữ gìn, bảo tồn các làng nghề, không chỉ lưu giữ được những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống mà còn mang lại nguồn lợi kinh tế, làm cho bè bạn trong nước và quốc tế ngày càng hiểu sâu thêm về hình ảnh quê hương, non nước Cao Bằng./.

Đinh Thu Trang

THÔNG TIN TRA CỨU
Xem thêm





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH CAO BẰNG
***DU KHÁCH***
Địa chỉ: Số 011 - Đường Hoàng Đình Giong - Thành Phố Cao Bằng, Tỉnh Cao Bằng
Email: portal@caobang.gov.vn - Điện thoại: 0206.3852.136
Chịu trách nhiệm: ông Trịnh Sỹ Tài - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cao Bằng
Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Cao Bằng (hoặc www.caobang.gov.vn) khi trích dẫn thông tin từ địa chỉ này.

ipv6 ready